20.000 đồng một bát, canh bún ở đây được đánh giá là ngon rẻ nên ngày nào khách cũng đứng vòng trong, vòng ngoài.
Trưa nào đi qua đoạn 32 Nguyễn Siêu (Hà Nội), người ta cũng dễ dàng bắt gặp cảnh đông đúc tại quán canh bún nổi tiếng của con phố này.
Trước kia, quán canh bún chỉ là gánh hàng rong tềnh toàng, khiêm tốn trong một khoảng vỉa hè chật chội trên phố Nguyễn Siêu, vậy mà lúc nào khách cũng như trẩy hội. Sau này, quán kết hợp được với căn nhà mặt phố nho nhỏ như bây giờ. Rộng rãi, ổn định hơn, quán chưa "lên đời" được bao nhiêu. Quầy hàng chính vẫn là đôi quang gánh ngoài vỉa hè, khách vẫn ngồi cúi ăn bưng, thiếu tiện nghi.
Diện tích của căn nhà nhỏ, quán vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu khách. Tầm giờ trưa, nơi đây luôn kín người ngồi từ vỉa hè vào đến trong nhà. Mọi người thường phải dùng chiêu "thua ra đập vào" để có chỗ ngồi, tức là xem có ai đứng lên không thì mình thế vào đó luôn.
Người ăn đông nên phải ngồi san sát. Khi đã an tọa xong, bạn còn mất chừng 10-15 phút... hóng mắt ra ngoài - nơi có cô chủ với gánh canh bún, để chờ xem bao giờ thì tới lượt mình được ăn.
Ghế làm bàn tại đây cũng chỉ một loại ghế nhựa con. Khách đến quán là xác định ăn bưng giản dị.
Canh bún là món ăn dân dã nhưng không phải người Hà Nội nào cũng biết. Canh bún cua khá giống bún riêu nhưng cách thưởng thức cũng như chế biến có cải biên đôi chút.
Vẫn là loại bún thông thường song được ngâm thật kỹ trong nước sôi để sợi nở to hết cỡ, ấm nóng, trơn mềm. Canh cua phải được chế biến sao để mang vị ngọt đậm đà hơn. Nước canh chỉ chưa tới lưng bát, đủ để khách có thể trộn đều đồ ăn. Là món trộn nên canh bún ăn kèm rau muống, rau nhút. Một điểm khác biệt cơ bản, canh bún ngoài riêu cua còn có hành phi tóp mỡ giòn thơm, béo ngậy.
Nhìn chung, những quán ăn phố cổ siêu đông, khổ sở thế này không hợp gu với khách khó tính, thiếu kiên nhẫn.
Tuy nhiên, bát canh bún 20.000 đồng ở đây được đánh giá là ngon rẻ, dễ ăn, dễ gây nghiện, nên dù nhiều bất cập, quán vẫn đông khách mỗi ngày.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét